Cư dân các thôn Xuân Vân, Quy Hòa, xóm Bãi Xép trước đây và phường Ghềnh Ráng sau này có đời sống tinh thn khá phong phú. Đặc biệt, thôn Quy Hòa (còn gọi là Vũng Dừa) là cộng đồng dân cư thuần nông, có sự gắn kết qua nhiều thế hệ, tính cộng đồng và tinh thần tương thân tương ái rất cao. Vùng đất này lưu giữ nhiều tập tục tốt đẹp như: Tế lễ khai sơn (mùng 7 tháng Giêng), cúng miếu Bà Thủy (6/3 Âm lịch) và miếu Bà Hỏa (17/3 Âm lịch). Một nét văn hóa truyền thống rất trân quý của cộng đồng dân cư thôn Quy Hòa được tổ chức và duy trì thường xuyên hàng năm là Lễ hội Thanh Minh. Theo các bậc cao niên, tục cúng Thanh Minh có từ khi thôn được hình thành, duy trì thế nào không rõ, chỉ biết từ năm 1930 đến nay, tập tục được tổ chức hàng năm vào Rằm tháng Giêng. Lễ hội Thanh Minh là dịp để cộng đồng cùng nhau dọn sạch cỏ hoang, đắp thêm đất cho “cao nấm ấm mồ” tất cả mộ không còn thân nhân, không ai giỗ quải ở địa phương; đáp ứng lòng tín ngưỡng với mong muốn an ủi những âm linh cô quạnh, cầu mong một năm mùa màng bội thu, cuộc sống bình an, thôn xóm phồn thịnh.

Đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân với vị thần biển cả, luôn mang lại bình an cho vạn chài, cùng với sự phát triển của xóm chài Bãi Xép, thôn Quy Hòa, lăng, miếu thờ Ông Nam Hải (cá Voi) cũng được xây cất và hình thành Lễ hội cầu ngư. Vào ngày 12 tháng chạp hàng năm, tại lăng, miếu đều tổ chức lễ cúng cầu bình an may mắn. Ở Bãi Xép, lăng thờ được xây dựng đầu tiên tại khu du lịch sinh thái Bãi Xép (nay là khu du lịch nghỉ dưỡng Osix), đến năm 1978 chuyển địa điểm xây mới ở bãi biển như hiện nay. Người dân Bãi Xép, Quy Hòa đã lập ra các Ban Vạn theo hình thức tự quản để điều hành việc xây cất, tu bổ, tổ chức cúng lăng lễ hội hàng năm.