- Khu phố 1 (Bãi Xép)

Với địa hình đồi núi hoang sơ, bãi biển có bờ cát vàng, cùng những lớp đá xếp chồng tự nhiên nhấp nhô theo từng đợt sóng, Bãi Xép được Business Insiness đánh giá là một trong 16 “hòn ngọc bí ẩn” của Châu Á; trở thành một điểm du lịch nghĩ dưỡng xinh đẹp, thanh bình, với rất nhiều resort, homestay view biển cực đẹp và yên tĩnh, như: Casa Marina Resort; O.six Resort; Long Hill Bai Xep Resort & Spa; Aurora Villa & Resort; Anantara Quy Nhon Villas;... Khu phố 1 được Ủy ban nhân dân thành phố Quy Nhơn lựa chọn để xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững các làng chài ven biển.

Khu phố 1 (Bãi Xép) năm 1998 Nằm tách biệt một góc trời biển,đi bằng đò biển hơn 45 phút mới đến nơi

 

Toàn cảnh Khu phố 1 (Bãi Xép) ngày nay

          - Khu phố 2 (Quy Hòa):

Một Quy Hòa lọt thỏm giữa một bên biển và một bên núi đã trở thành thung lũng sáng tạo, với Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE); Nhà mô hình vũ trụ, Bảo tàng Khoa học và Đài quan sát thiên văn; Công viên sáng tạo TMA (TMA Innovation Park); Khu đô thị Khoa học Quy Hòa;...

Toàn cảnh Khu phố 2 (Quy Hòa) ngày nay.

Một góc khu dân cư ở Khu phố 2 được quy hoạch bài bản 

- Khu phố 3: Từ những dãy nhà tạm dưới chân núi Vũng Chua của công nhân cầu đường những năm 1983; sau đó là công nhân xí nghiệp Bông Hồng những năm đầu đổi mới; với những cánh đồng bị nhiễm phèn và nước mặn xâm thực, mỗi năm chỉ cấy một vụ lúa, đôi sào màu; cùng sự hoang vắng của địa hình ven núi, nhiều khu mộ trải dài, sau 22 năm diện mạo khu phố đã phát triển vượt bật, với nhiều dự án, công trình được đầu tư xây trên địa bàn, như: Thắng cảnh Ghềnh Ráng; trường Trung học cơ sở Ghềnh Ráng; chợ Ghềnh Ráng; Dự án khu dân cư Bông Hồng... Ước mơ có nguồn nước sạch dùng trong sinh hoạt[[1]] suốt một thời gian dài là vấn đề nổi cộm và bức xúc nhất của người dân trong khu phố; giờ đây hệ thống nước máy đã vươn dài tới từng ngõ ngách, đến với từng gia đình.

Diện mạo khu phố 3 đã phát triển vượt bậc, với nhiều dự án,

công trình được đầu tư xây dựng.

Từ một trang trại nhỏ do một người dân khai hoang thành một điểm du lịch sinh thái, phục vụ người dân thành phố vui chơi cuối tuần; sau khi được tỉnh Bình Định và thành phố Quy Nhơn đầu tư cải tạo, đã trở thành một khu danh lam thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất của tỉnh và cả nước - Thắng cảnh Ghềnh Ráng - nơi có Bãi tắm Hoàng Hậu, có mộ thi nhân Hàn Mặc Tử, được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Tương lai không xa, Dự án Hưng Thịnh Ghềnh Ráng - Richmond Quy Nhơn hoàn thành, hứa hẹn biết bao điều tốt đẹp và tương lai tươi sáng cho người dân nơi đây.

- Khu phố 4: Từ những khóm nhà thấp, nhỏ dọc đường Nguyễn Huệ nối dài, xóm biển, xóm động với những con hẻm đầy ngõ, ngách; đời sống người dân nghèo khó, chủ yếu là lao động phổ thông kiểu “đụng đâu làm nấy”, đánh bắt tôm cá ven bờ, chặt củi đốt than,...; đời sống văn hóa tinh thần vô cùng thiếu thốn. Cùng với các khu dân cư khác của phường, đổi thay ở khu phố 4 cũng thật kỳ diệu. Nhà cao tầng san sát mọc lên, bê tông cùng với hệ thống thoát nước trải đều, trải dài đến 100% các đường, ngõ, hẻm. Chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm, thu nhập, học hành, vui chơi giải trí trong nhân dân đều được nâng lên. Trụ sở làm việc của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường, Công an phường,... được xây dựng, khu phố 4 trở thành một trong những khu phố trung tâm của phường. Một xóm chài nhỏ với những mái nhà đơn sơ dưới chân đồi Xuân Vân (tổ 17, khu phố 4 ngày mới thành lập phường) đã thay bằng một resort khang trang, xinh đẹp - Resort Hoàng Gia Quy Nhơn. Đường Nguyễn Huệ nối dài trước kia tiềm ẩn nhiều bất ổn về an ninh trật tự, nhà ở của nhân dân tạm bợ, việc làm không ổn định; nay đường Hàn Mặc Tử khang trang, nhiều ngôi nhà xây dựng mới tươm tất, dịch vụ ăn uống được mở ra để phục vụ du khách khi đến địa phương.

 

Diện mạo Khu phố 4 đổi thay thật kỳ diệu

- Khu phố 5: Địa bàn khu phố trước đây là nghĩa địa công giáo, lác đác vài căn nhà lá của giáo dân xóm đạo, sống chủ yếu bằng nghề đan mây, đêm đêm le lói ánh đèn dầu, đời sống âm thầm, tách biệt. Sau 22 năm, sự hoang lạnh đã được thay bằng sự tấp nập, nhộn nhịp của một khu dân cư sầm uất, trù phú bậc nhất không chỉ của địa phương. Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn, trường Tiểu học Kim Đồng, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (cơ sở khám bệnh)... và nhiều công ty, doanh nghiệp được xây dựng trên địa bàn đã tạo điều kiện việc làm, giúp nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Khu phố 5 là một trong những khu dân cư được quy hoạch hoàn chỉnh,

bài bản nhất của phường Ghềnh Ráng.

Khu phố 5 của phường là một trong những khu dân cư được quy hoạch hoàn chỉnh, bài bản nhất. Không còn những con đường cát trắng bỏng rát chân người dẫn vào những căn nhà mái lá đơn sơ của giáo dân, đường nhựa đã trải dài, nhà cao tầng vươn cao, đời sống, việc làm, thu nhập, mức hưởng thụ của nhân dân thực sự thay đổi. Không còn điểm nóng về trật tự và tệ nạn xã hội dọc tuyến Quốc lộ 1D giai đoạn đầu đưa vào sử dụng, hay sự vắng vẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cướp, giật của đường Tây Sơn; khu phố 5 hôm nay trở nên văn minh, hiện đại và sầm uất, nhộn nhịp với Khu trung tâm thương mại Metro Quy Nhơn[[2]], BigC[[3]], Khu đô thị xanh Vũng Chua, Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn.

Sau 22 năm, kinh tế của phường được chuyển dịch một cách mạnh mẽ theo chiều hướng tích cực; từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường, năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng. Thu ngân sách trên địa bàn tăng năm sau cao hơn năm trước[[4]]. Riêng năm 2019 thu ngân sách đạt con số kỷ lục trên 7,2 tỷ đồng, cao nhất trong 22 năm (1998-2020). Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc, tập quán sản xuất lạc hậu đã được thay đổi một cách căn bản, sản lượng tăng từ 30 tạ/ha (năm 1998) lên 68 tạ/ha (năm 2019); từ sản xuất độc canh cây lúa đã chuyển sang thâm canh, xen canh nhiều mô hình sản xuất[[5]], góp phần tăng thu nhập người dân 40-50 triệu đồng trên một đơn vị canh tác.

Ngư nghiệp cũng có bước phát triển đáng kể, số lượng ghe thuyền tăng nhanh, từ 67 chiếc (năm 1999) lên 150 chiếc (năm 2017), trong vòng 22 năm ngư dân đã tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh của một vùng biển được thiên nhiên ưu đãi để đánh bắt, ươm nuôi tôm hùm giống, mỗi năm ước đạt từ 30-40 nghìn con với giá trị kinh tế gần 24 tỷ đồng và các sản phẩm phụ khác như mực, ghẹ, cá mú,... góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân khu phố 1 và 2.

Thương mại, dịch vụ và du lịch có bước chuyển biến mạnh mẽ. Đến nay trên toàn phường có trên 516 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ du lịch (năm 1999 là 57 cơ sở), tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, hàng trăm lao động có thu nhập cao. Đặc biệt từ khi Quốc lộ 1D (tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu) được đưa vào sử dụng (năm 2000) và được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định quy hoạch 10 điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cùng với những khu, điểm du lịch văn hóa lịch sử sẵn có và các công trình, khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng được đầu tư, triển khai xây dựng[[6]] đã thực sự đánh thức tiềm năng phát triển du lịch của phường, nhất là du lịch biển, du lịch sinh thái, tạo cơ hội vươn lên cho địa phương.

Từ một địa phương cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, đến nay nhìn từ số liệu thống kê (có thể chưa thật sự chuẩn xác 100%) của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phản ảnh một cách khá toàn diện, tổng thể những đổi thay của phường sau 22 năm thành lập: 100% đường giao thông được bê tông hoặc thảm nhựa; Quốc lộ 1D, đường Tây Sơn, Hàn Mặc Tử và Bến xe khách Trung tâm đi vào hoạt động; nghĩa địa phật giáo, công giáo được di dời, thay vào đó là các khu dân cư được quy hoạch một cách đồng bộ và hoàn chỉnh; không còn tình trạng nhà không số, phố không tên; hệ thống công viên cây xanh, điện chiếu sáng, cáp điện thoại, truyền hình, internet được đấu nối đến tận hộ gia đình và các khu dân cư; 100% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia; hệ thống nước sạch được cung cấp đến hầu hết các khu dân cư; 100% hộ gia đình có phương tiện nghe nhìn, xe gắn máy; trường Trung học cơ sở, Tiểu học, Mẫu giáo, Trạm Y tế, trụ sở làm việc của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường và các khu dân cư, Ban Chỉ huy Quân sự phường, Công an phường, Hội trường Ủy ban nhân dân, Nhà để xe, Đài truyền thanh thông minh, chợ Ghềnh Ráng,... được đầu tư xây dựng mới, định kỳ sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đảm bảo phát huy công năng. Lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản và chỉnh trang đô thị phục vụ cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân có bước phát triển rất đáng tự hào. 

 

[[1]]    Nguồn nước nơi đây bị nhiễm phèn, nhiễm mặn và cả nhiễm dầu do sự cố bể đường ống dầu của Mỹ trong những năm chiến tranh.

[[2]]    Nay là MM Mega Market Quy Nhơn.

[[3]]    Nay là GO! Quy Nhơn.

[[4]]    Năm 1998: tổng thu ngân sách của phường Ghềnh Ráng đạt 120 triệu đồng; năm 2005: 772 triệu đồng; năm 2010: 1,8 tỷ đồng; năm 2015: 5,281 tỷ đồng; năm 2020: 7,209 tỷ đồng.

[[5]]    Kết hợp nuôi heo hướng nạc, vỗ béo bò, trồng hoa, cây cảnh, cỏ sữa, dưa hấu và các loại cây họ đậu, nuôi dông trên cát, cá lóc trên bạt, nuôi gà thả vườn, heo rừng giống, nhím giống; chuyển đổi vườn tạp hình thành các vùng sản xuất tập trung các loại cây ăn trái có hiệu quả cao như mãng cầu, chôm chôm, dừa xiêm...

[[6]]    Khu trung tâm thương mại Metro Quy Nhơn, BigC, Khu đô thị xanh Vũng Chua, Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa, Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành - International Centre for Interdisciplinary Science and Education (ICISE), Trung tâm Khám phá khoa học, Casa Marina, Khu du lịch nghỉ dưỡng biển quốc tế Bãi Xép, Resort Hoàng Gia, Bãi Dài - Avani, Sài gòn Max, Sài Gòn - Quy Nhơn, Khu du lịch nghỉ dưỡng La Costa,...