Sự hình thành và phát triển phường Quang Trung trước đây (có các thôn Quy Hòa, Xuân Vân phường Ghềnh Ráng ngày nay) gắn liền quá trình mở rộng và phát triển của thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và sự ra đời của các địa phương lân cận. Năm 1832, khi tỉnh Bình Định chính thức thành lập, Quy Nhơn là một đô thị nhỏ ven đầm Thị Nại[[1]]; tuy đã có một ít phố xá, song về mặt hành chính, Quy Nhơn là xã thuộc Tuy Phước có 2 làng: Chánh Thành và Cẩm Thượng. Năm 1898, triều đình Huế mới công nhận Quy Nhơn là thị xã.

Hơn 30 năm sau, nhằm phục vụ sự khai thác, bóc lột ngày càng mở rộng, tháng 4/1930, nhà cầm quyền Pháp nâng cấp thị xã Quy Nhơn lên thành phố; Quy Nhơn được mở rộng về phía Tây với việc sáp nhập làng Hưng Thạnh thuộc Tuy Phước; được chia thành 5 khu: khu 1, 2 thuộc làng Chánh Thành, khu 3, 4 thuộc làng Cẩm Thượng và khu 5 thuộc làng Hưng Thạnh vừa mới sáp nhập.

Ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 23/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Quy Nhơn thắng lợi, nhưng thực dân Pháp ngoan cố quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/12/1946, nhân dân ta nhất tề đứng lên kháng chiến. Ở Quy Nhơn, đại bộ phận người dân tản cư về các vùng quê, thành phố thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”. Đô thị Quy Nhơn trở thành xã đặc biệt thuộc tỉnh Bình Định.

Tháng 6/1950, cuộc kháng chiến của dân tộc ta chuyển sang giai đoạn mới: tích cực chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công. Quy Nhơn thời điểm này được mở rộng về phía Nam với việc sáp nhập xã Phước Tấn của huyện Tuy Phước, gồm các thôn Xuân Quang, Xuân Vân và Quy Hòa[[2]]. Năm 1951, hội nghị đô thị Liên khu V công nhận Quy Nhơn là thị xã. Lúc này xã Phước Tấn được tổ chức thành khu VI Đông và khu VI Tây của thị xã Quy Nhơn.[[3]]

Năm 1965, chính quyền Sài Gòn đưa một số người dân thôn Xuân Quang, Quy Hòa khai hoang lập nghiệp tại Bãi Bàng, Bãi Rạng theo chính sách kinh tế mới vùng giáp ranh hai tỉnh Bình Định, Phú Yên, do chính quyền thị xã Quy Nhơn quản lý. Bãi Bàng, Bãi Rạng (năm 1998 thuộc khu phố 1 phường Ghềnh Ráng), thôn Quy Hòa (nay là khu phố 2 phường Ghềnh Ráng), thôn Xuân Vân (nay là khu phố 3, 4 và 5 phường Ghềnh Ráng) là địa bàn của phường Ghềnh Ráng ngày nay.

- Thôn Xuân Vân: Nằm ở khu vực Ghềnh Ráng - suối Tiên dưi chân núi Vũng Chua; trước đây thuộc xã Phước Tấn quận Tuy Phước, phía Bắc giáp thôn Cẩm Thượng và Xuân Quang, có cọc gỗ làm địa giới, hai phía Tây và Nam giáp núi, đầm và sông; hiện nay là khu phố 3, 4 và 5 phường Ghềnh Ráng; là một trong những thôn được hình thành sớm của thành phố Quy Nhơn. Trong bản kê ruộng đất năm 1815, thôn có 9 mẫu, 3 sào, 14 thưc 5, chủ yếu là ruộng đất tư[[4]]. Năm 1839, khi lập lại địa bạ thôn, tổng số điền thổ 10 mẫu, 3 sào, 14 thưc 5; trong đó công điền được phân là 4 mẫu, 9 sào, 3 thước[[5]].  

Ngày 18/4/1961, Tổng thống Việt Nam cộng hòa ra Nghị định số 261 BVN/NC8/ND cải biến thị xã Quy Nhơn cũ thành xã Quy Nhơn trực thuộc quận Tuy Phước. Địa phận xã Quy Nhơn gồm có thị xã Quy Nhơn cũ, cộng thêm thôn Xuân Vân của xã Phước Tấn, thôn Xuân Quang của xã Phước Hậu, trọn phần đất núi Bà Hỏa và một phần đất thôn Hưng Thạnh của xã Phước Hậu, quận Tuy Phước. Thôn Xuân Vân sáp nhập vào thị xã Quy Nhơn theo Nghị định số 594 của chính quyền Sài Gòn ngày 12/10/1961[[6]].

Năm 1971, theo Nghị định số 494 BNV/HCĐP/26/ĐT/NĐ, ngày 11/6/1971 của Tổng trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa, thị xã Quy Nhơn được sắp xếp lại các đơn vị hành chính, toàn thị xã được chia thành 2 quận và 16 khu phố, trong đó thôn Xuân Vân đổi tên thành khu phố Trung Tín. Theo tài liệu của chính quyền Ngụy tỉnh Bình Định, đến 1973, các khu phố của thị xã Quy Nhơn đổi thành phường, trong đó có phường Trung Tín[[7]].

- Thôn Quy Hòa: Nằm cực nam của thành phố Quy Nhơn cũng là một trong những thôn được thành lập sm của phủ Quy Nhơn xưa. Trong địa bạ Gia Long năm 1815 ghi Quy Hòa là khách hộ ấp[[8]], thuộc xã Thời Tú, huyện Tuy Viễn, 3 mặt giáp núi, phía đông giáp bin, diện tích điền thổ 115 mẫu, 1 sào, 4 thưc 3, 2 tấc; trong đó tư điền là 113 mẫu, 2 sào, 4th, 3,2 tấc. Dân cư trạch th có diện tích 1 mẫu, 9 sào và một khoảnh mộ địa[[9]]. Năm 1839 lập lại địa bạ, công điền được xác lập là 54 mẫu, 8 sào, 1 thưc[[10]].

i thời Minh Mệnh, thôn Quy Hòa thuộc tng Tuy Hà, tỉnh Bình Định. Năm 1971, thôn Quy Hòa đổi tên thành khu phố Trung Hòa[[11]]. Đến năm 1973, khu phố Trung Hòa đổi tên thành phường Trung Hòa[[12]]. Quy Hòa có khu điều dưỡng, là thắng cảnh hấp dẫn du khách của thành phố Quy Nhơn.

- Bãi Xép[[13]]: Thực hiện chính sách khai hoang lập ấp của Chúa Nguyễn từ thế kỷ thứ XVIII, một bộ phận cư dân người Việt đã đến khai khẩn đất hoang sinh sống tại Quy Nhơn, trong đó có Bãi Xép. Lúc khai sinh ra xóm chài Bãi Xép chỉ có vài chục hộ dân, chủ đạo là hai dòng họ Võ và Thái. Về sau một số dòng họ khác từ Vũng Dừa (Quy Hòa); Xuân Hải, Cổ Ngựa (xã Xuân Hải, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) ra sinh sống bằng nghề biển là chính. Một vài hộ đóng thuyền buồm lớn (ghe bầu) để vận chuyển hàng hóa giao lưu buôn bán với các địa phương khác trong cả nước; một vài hộ lên phía Tây Bãi Xép (xóm trên ngày nay) khai khẩn đất hoang làm ruộng lúa, trồng hoa màu[[14]].

Từ cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, trên địa bàn phường Ghềnh Ráng ngày nay, những người Việt đầu tiên đến đây làm ăn và sinh sống theo chính sách khẩn hoang của chúa Nguyễn Hoàng, hình thành các thôn Quy Hòa, Xuân Vân, xóm Bãi Xép. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, thôn Xuân Vân và thôn Quy Hòa thuộc tổng Dương An, phủ Tuy Phước. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, hai thôn vẫn thuộc Tuy Phước. Khi Quy Nhơn được mở rộng về phía Tây (tháng 4/1930), các thôn Xuân Quang, Xuân Vân, Quy Hòa hợp thành xã Hòa Quang thuộc huyện Tuy Phước; đến tháng 3/1948, xã Hòa Quang đổi tên thành xã Phước Tấn[[15]]. Năm 1951, xã Phước Tấn được hợp nhất vào khu phố 6 thuộc thị xã Quy Nhơn[[16]].

Theo “Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân phường Quang Trung”, sau gần 21 năm tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 31/3/1975, thị xã Quy Nhơn hoàn toàn giải phóng. Tháng 5/1975, Ủy ban nhân dân thị xã Quy Nhơn quyết định lấy tên các anh hùng dân tộc, lãnh tụ của Đảng, cách mạng ở địa phương và đất nước đặt cho các phường, xã. Phường Trung Châu[[17]] được đổi thành khu phố Quang Trung, còn xã Phước Tấn thì đổi thành xã Nhơn Tấn. Tháng 10/1975, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương sáp nhập một số tỉnh, huyện, xã lên quy mô lớn phù hợp với yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới. Sau khi sáp nhập hai tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi thành tỉnh Nghĩa Bình, thị xã Quy Nhơn ra quyết định sáp nhập một số đơn vị hành chính, trong đó xã Nhơn Tấn được sáp nhập với khu phố Quang Trung.

Ngày 26/12/1997, Chính phủ ra Nghị định số 118/1997/NĐ-CP về việc chia tách, thành lập, một số phường, thị trấn thuộc thành phố Quy Nhơn, các huyện An Nhơn và Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Theo đó, phường Ghềnh Ráng thuộc thành phố Quy Nhơn được thành lập trên cơ sở 2.477,5 ha diện tích tự nhiên và 4.335 nhân khẩu của phường Quang Trung.

Địa giới hành chính phường Ghềnh Ráng:

- Bắc giáp phường Quang Trung;

- Đông giáp biển Đông;

- Nam giáp tỉnh Phú Yên;

- Tây giáp phường Bùi Thị Xuân.

 

 

Bản đồ vị trí phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn.

Ngày 16/3/1998, Thành ủy Quy Nhơn ban hành Quyết định số 46-QĐ/TU về việc chỉ định thành lập Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ phường Ghềnh Ráng; ngày 17/3/1998, UBND thành phố Quy Nhơn có Quyết định số 185/QĐ-UBND thành lập phường Ghềnh Ráng. Phường Ghềnh Ráng được chia thành 5 khu phố, gồm: khu phố 1 (Bãi Xép, Bãi Bàng, Bãi Rạng); khu phố 2 (Quy Hòa); các khu phố 3, 4, 5 được tách ra từ khu vực 3A - phường Quang Trung trước đây.

Năm 2000, tỉnh Bình Định giao Bãi Bàng, Bãi Rạng cho tỉnh Phú Yên, sáp nhập vào xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu[[18]]. Địa giới hành chính phường Ghềnh Ráng chỉ còn đến mũi Bãi Bàng (giáp ranh giữa Bãi Xép và Bãi Bàng) trở ra.

Không biết địa danh Ghềnh Ráng có từ bao giờ!!! Theo tục truyền, xưa kia ở thôn Xuân Vân, Quy Hòa có rất nhiều cây Ráng, mọc rất nhiều gần gành đá nên được gọi là Gành Ráng, sau đổi thành Ghềnh Ráng. Theo một tra cứu khác, tên Ghềnh Ráng do ngư dân đặt vì nơi đây có nhiều gành đá. Khi tàu bè qua lại vùng biển này, bằng mọi cách thủy thủ phải làm giảm gió trong buồm để tàu, thuyền đi chậm lại, nếu không tàu, thuyền dễ bị nước ngập vào. Nghề đi biển gọi thao tác ấy là “ráng”, tên từ “Gành Ráng” đến “Ghềnh Ráng” cũng bắt nguồn từ đó. Điểm này tương đồng với tác giả Nguyễn Thanh Quang trong “Di tích Gành Ráng”: Phải chăng tên gọi Ghềnh Ráng xuất hiện cùng với cư dân người Việt đánh cá đầu tiên trú ở ven biển Quy Nhơn? (khoảng đầu thế kỷ XVIII). Theo những người làm nghề biển kể lại: Khi thuyền đi biển lái qua bên trái thì gọi là “cay”, lái qua bên phải gọi là “biết”, xoay mũi thuyền theo chiều gió gọi là “nhượng”, đổ gió trong buồm ra gọi là “ráng”. Mỗi khi thuyền đi qua gành này đều phải đổ gió trong buồm ra, nên từ đó người ta gọi nơi này là Ghềnh Ráng.

 

[[1]] Năm 1471 tỉnh Bình Định ngày nay có tên là phủ Hoài Nhơn gồm 03 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn (vùng Tuy Phước, An Nhơn bây giờ). Năm 1602, phủ Hoài Nhơn đổi thành phủ Quy Nhơn.

- Năm 1832, phủ Quy Nhơn đổi thành tỉnh Bình Định. Địa danh Quy Nhơn dành cho tên thị xã rồi thành phố tỉnh lỵ của Bình Định.

- Từ 1930, thị xã Quy Nhơn nghề buôn bán, nghề làm mui, đến 1950 có thêm nghề nông.

[[2]]Lịch sử thành phố Quy Nhơn, NXB Thuận Hóa, 1989, tr.97.

[[3]]Lịch sử thành phố Quy Nhơn, Bán Nguyệt san Xưa và Nay, Nhà xuất bản Trẻ, 2002, tr.200.

[[4]]   Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, tỉnh Bình Định, 3 tập, Hồ Chí Minh, 1996, tập I, tr.437.

[[5]]   Nguyn Đình Đầu, Sđd, tập II, tr. 825.

[[6]]   Lịch sử thành phố Quy Nhơn, NXB Thuận Hóa, Sđd, tr.108.

[[7]]     Theo “Bình Định thiên nhiên, dân cư và hành chính”, phần III, chương XIII về Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước tỉnh Bình Định giai đoạn 1945-1975.

[[8]]   Khách hộ ấp: Làng do người nơi khác đến lập.

[[9]]   Nguyễn Đình Đầu, T.I, Sđd, tr.424.

[[10]]Nguyễn Đình Đầu, T.II, Sđd, tr.819.

[[11]] Theo Nghị định số 494 BNV/HCĐP/26/ĐT/NĐ, ngày 11/6/1971 của Tổng trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa, thị xã Quy Nhơn được sắp xếp lại các đơn vị hành chính, toàn thị xã được chia thành 2 quận và 16 khu phố, trong đó có 2 khu phố Trung Hòa và Trung Tín (ngày nay là các khu phố 2, 3, 4, 5 của phường Ghềnh Ráng).

[[12]] Theo “Bình Định thiên nhiên, dân cư và hành chính”, phần III, chương XIII về Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước tỉnh Bình Định giai đoạn 1945-1975: “Theo tài liệu của chính quyền Ngụy tỉnh Bình Định, đến 1973, các khu phố của thị xã Quy Nhơn đổi thành phường”.

[[13]] Ghi theo lời kể của ông Võ Bơi (Lội) - 83 tuổi và ông Võ Chẳng - 63 tuổi, cư trú tại Tổ 3 Khu phố 1 (Bãi Xép) Ghềnh Ráng.

[[14]] Ban đầu nghề trồng rừng chưa phát triển nơi đây.

[[15]]Lịch sử thành phố Quy Nhơn, Bán Nguyệt san Xưa và Nay, Nhà xuất bản Trẻ, Sđd, tr.200.

[[16]]Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân phường Quang Trung, Đảng bộ P.Quang Trung, 2014, tr.10.

[[17]]  Những năm đầu thập niên 70, thành phố Quy Nhơn được chia làm 2 quận là Nhơn Bình và Nhơn Định. Các quận chia thành 16 khu phố, sau đổi thành phường, trong đó 2 phường Trung Hiếu (có 4 khóm nằm ở phía Đông đường Nguyễn Thái Học ngày nay) và Trung Châu (có 7 khóm nằm ở phía Tây đường này).

[[18]] Tổng số nhân hộ khẩu chuyển giao là 34 hộ, 202 khẩu, trong đó: Bãi Bàng có 21 hộ, 115 nhân khẩu; Bãi Rạng có 13 hộ, 87 nhân khẩu.

Nguồn: Ban biên tập tổng hợp