Cư dân các thôn Xuân Vân, Quy Hòa, xóm Bãi Xép trước đây và phường Ghềnh Ráng sau này có đời sống tinh thn khá phong phú. Đặc biệt, thôn Quy Hòa (còn gọi là Vũng Dừa) là cộng đồng dân cư thuần nông, có sự gắn kết qua nhiều thế hệ, tính cộng đồng và tinh thần tương thân tương ái rất cao. Vùng đất này lưu giữ nhiều tập tục tốt đẹp như: Tế lễ khai sơn (mùng 7 tháng Giêng), cúng miếu Bà Thủy (6/3 Âm lịch) và miếu Bà Hỏa (17/3 Âm lịch). Một nét văn hóa truyền thống rất trân quý của cộng đồng dân cư thôn Quy Hòa được tổ chức và duy trì thường xuyên hàng năm là Lễ hội Thanh Minh. Theo các bậc cao niên, tục cúng Thanh Minh có từ khi thôn được hình thành, duy trì thế nào không rõ, chỉ biết từ năm 1930 đến nay, tập tục được tổ chức hàng năm vào Rằm tháng Giêng. Lễ hội Thanh Minh là dịp để cộng đồng cùng nhau dọn sạch cỏ hoang, đắp thêm đất cho “cao nấm ấm mồ” tất cả mộ không còn thân nhân, không ai giỗ quải ở địa phương; đáp ứng lòng tín ngưỡng với mong muốn an ủi những âm linh cô quạnh, cầu mong một năm mùa màng bội thu, cuộc sống bình an, thôn xóm phồn thịnh.

Đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân với vị thần biển cả, luôn mang lại bình an cho vạn chài, cùng với sự phát triển của xóm chài Bãi Xép, thôn Quy Hòa, lăng, miếu thờ Ông Nam Hải (cá Voi) cũng được xây cất và hình thành Lễ hội cầu ngư. Vào ngày 12 tháng chạp hàng năm, tại lăng, miếu đều tổ chức lễ cúng cầu bình an may mắn. Ở Bãi Xép, lăng thờ được xây dựng đầu tiên tại khu du lịch sinh thái Bãi Xép (nay là khu du lịch nghỉ dưỡng Osix), đến năm 1978 chuyển địa điểm xây mới ở bãi biển như hiện nay. Người dân Bãi Xép, Quy Hòa đã lập ra các Ban Vạn theo hình thức tự quản để điều hành việc xây cất, tu bổ, tổ chức cúng lăng lễ hội hàng năm. 

Cũng như các làng quê khác Bình Định, người dân các thôn Xuân Vân, Quy Hòa và xóm Bãi Xép đều tín ngưng th cúng tổ tiên; giỗ qui ông bà, ngưi thân đã mt. Ngoài ra, một bộ phận cư dân còn theo hai tôn giáo chính là Phật giáo và Công giáo.

Mặc dù đạo Phật du nhập vào nước ta sớm, nhưng các chùa Nhân Quả (khu phố 4), chùa Hòa Đồng (khu phố 2) trên địa phận phường được xây dựng muộn hơn.

- Chùa Hòa Đồng: Năm 1965 ông Mai Thọ cùng một số người địa phương theo đạo Phật thành lập Khuôn hội Quy Hòa thuộc xã Phước Tấn do ông làm Khuôn hội trưởng; lập ra Ban hộ tự để vận động phật tử chăm lo xây dựng, cải tạo cơ sở thờ tự, đảm đương việc thờ Phật và cúng lễ vào các ngày đầu tháng, giữa tháng. Cuối năm 2006, Ban hộ tự gửi đơn Giáo hội Phật giáo Quy Nhơn xin thỉnh cầu người về trú trì chùa Hòa Đồng. Giáo hội Minh Tịnh phân công ông Cao Phùng Vạn (pháp danh Thích Thị Ân) sinh năm 1978 về trông coi chùa và chính thức đảm nhiệm trú trì chùa Hòa Đồng từ năm 2008 đến nay. Chùa Hòa Đồng thuộc hệ phái Bắc Tông, ban đầu chỉ xây cất một ngôi nhà nhỏ trên diện tích đất hơn 1.400m2, quá trình hành lễ có tu bổ sửa chữa nhỏ không đáng kể; năm 2010, từ nguồn kinh phí phật tử khắp nơi đóng góp, chùa được tái thiết lại cơ ngơi đàng hoàng như hiện nay.

- Chùa Nhân Quả: Năm 1973 ông Trịnh Văn Giàu cùng vợ là Lê Thị Hoài khai hoang thửa đất gần 3.000m2, vận động một nhóm người cư trú tại địa phương xây dựng địa điểm thờ cúng phật, tọa lạc tại khu phố 4, thuộc hệ phái Bắc Tông. Thầy trú trì đầu tiên là thầy Tôn Thất Chương (người Huế). Năm 2003, cơ sở thờ tự giao lại cho chùa Lộc Uyển phụ trách, cô Nguyễn Thị Bảy (pháp danh Thích Nữ Minh Đạo) được chùa Lộc Uyển phân công trông coi và chính thức đảm nhiệm trú trì từ năm 2019. Cuối năm 2015 được xây lại trên diện tích 780m2 và được đặt tên là chùa Nhân Quả.

Đạo Công giáo du nhập vào nước ta từ thế kỷ XVII, XVIII, nhưng phải đến khi người Pháp mở rộng và nâng cấp thị xã Quy Nhơn lên thành phố loại 3 (tháng 4/1930), nhà thờ trung tâm mới được xây dựng. Riêng vùng Ghềnh Ráng, cùng với việc xây dựng Bệnh viện Phong Quy Hòa để điều trị người bị bệnh phong cả nước, Cộng đoàn Thánh Phanxicô Quy Hòa - Quy Nhơn - Bình Định cũng được thành lập năm 1932; Thánh hiệu Thánh Phanxicô; kính ngày 4.10; sứ vụ phục vụ anh chị em bị bệnh phong. Thời gian đầu, để các nữ tu chuyên nghiệp dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ vừa đảm trách nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân phong, vừa có nơi hành đạo, một tu viện nhỏ được xây cất[[1]], sau đó một nhà thờ làm nơi hành lễ cũng được xây dựng[[2]]. Ở thời điểm thuốc điều trị bệnh phong còn khá hiếm và tác dụng của thuốc cũng rất giới hạn, nhà cầu nguyện chính là nơi những bệnh nhân phong tìm được niềm bình an, hạnh phúc thật sự trong một thân tâm an lạc[[3]].

Thôn Xuân Vân vào khoảng thế kỷ XX chỉ là một làng chài nhỏ có trên dưới 40 nóc nhà tranh. Năm 1958, linh mục Giuse - Maria Phạm Châu Diên thường xuyên đến đây thăm viếng dân làng và truyền giáo. Theo thời gian, nhà nguyện lâm thời chật chội, giáo dân bàn bạc và thống nhất xin cất nhà thờ, thuộc Giáo xứ Ghềnh Ráng. Ngày 11/02/1963, linh mục Diên khởi công xây dựng hang đá Đức Mẹ ở sườn núi Xuân Vân, đối diện với nhà thờ mới thành lập; sau đó tiếp tục xây một ngôi nhà thờ nhỏ cạnh hang đá, thường gọi là nhà thờ Núi[[4]]. Nhà thờ Núi hoàn thành ngày 15/8/1964.

Nhà thờ núi Léproserie và hang đá Đức Mẹ - Quy Nhơn 1968-1970

Những nơi thờ tự của các tôn giáo trên địa bàn là những điểm nhấn về di tích văn hóa tín ngưỡng mang yếu tố lịch sử kiến trúc, được xây dựng, tôn tạo và tồn tại qua các thời kỳ. Những người có đạo cùng lương giáo sống trên địa bàn đã đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đấu tranh chống áp bức, chống ngoại xâm. Những chủ trương đúng đắn về tôn giáo của Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho các tôn giáo yên tâm xây dựng cuộc sống “tốt đời đẹp đạo”.

 

[[1]]   Tu viện được khánh thành ngày 17/9/1933.

[[2]]   Nhà thờ được khánh thành ngày 08/12/1936.

[[3]] Tài liệu tham khảo: “Cộng Đoàn Thánh Phanxicô Quy Hòa” (Bệnh viện Phong Quy Hòa); Trích Lược sử Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ VN. của L.m Antôn Trần Phổ, Dòng Phan Sinh và Nữ tu Ma-đê-la-na Nguyễn Thị Triệu, Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, biên soạn.

[[4]] Nay là Trung tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu của Giáo phận.