Du xuân ở thung lũng Quy Hòa
Du xuân ở thung lũng Quy Hòa
VHO - Thung lũng Quy Hòa, TP Quy Nhơn (Bình Định) không chỉ nổi tiếng nét đẹp cổ kín của một làng chài dọc biển miền Trung, mà nơi đây người dân còn lưu giữ nhiều nét sinh hoạt văn hóa dân gian để hướng đến là điểm du lịch xanh, văn hóa tâm linh.
Lễ cúng cầu an đầu xuân của người dân Quy Hòa tại Thanh Minh Tự
Theo các cụ cao niên kể lại, khoảng đầu thế kỷ XIX, người dân đã tìm đến vùng đất này để dựng nhà sinh sống. Bà con dựa vào những cánh rừng của núi Vũng Chua để làm nương rẫy và trồng lúa.
Cuộc sống ổn định và nhiều người tìm đến thung lũng để lập gia đình, chọn Quy Hòa làm nơi “chôn nhau cắt rốn”.
Trò chuyện, chúng tôi được ông Mai Ngọc Thắng (76 tuổi), một cư dân sống lâu năm ở đây chia sẻ: Một dấu ấn để lại như “chứng tích” nói về sự hình thành vùng đất thung lũng Quy Hòa đó là cứ đến ngày 16 âm lịch tháng Giêng hằng năm, người dân lại tụ tập về Thanh Minh Tự để tổ chức lễ cúng cầu an đầu năm, với ước muốn vạn dân được bình an, hạnh phúc và tưởng nhớ đến công ơn những người đã lập làng.
Trong đời sống văn hóa, người dân Quy Hòa còn rất đam mê Hát bội
“Trong đời sống văn hóa, người dân Quy Hòa còn rất đam mê Hát bội, bởi vậy đến ngày diễn ra nghi lễ, Ban Quản lý khu phố thuê các đoàn hát bội về phục vụ, đáp ứng nhu cầu tinh thần cho bà con và làm cho phần hội của lễ cầu an thêm phần không khí vui tươi, rộn ràng”, ông Thắng chia sẻ thêm.
Cũng theo ông Thắng, với một bãi biển trải dài thuận lợi cho việc đánh bắt hải sản, cho nên những năm 1960 ngư dân ở Bãi Xép (trước thuộc tỉnh Phú Yên) tản ra Quy Hòa làm nghề đi biển và tồn tại cho đến bây giờ.
Trong khi đó, anh Trịnh Ngọc Quốc - Trưởng Khu phố 2, phường Ghềnh Ráng cho hay: Hàng chục năm về trước và ngày nay, Quy Hòa là nơi kết nối tình thương con người. Đây cũng là nơi mà nhà thơ Hàn Mặc Tử đến đây sống những năm tháng cuối đời để điều trị bệnh phong.
Cạnh bờ biển Quy Hòa, gam màu xanh của cây dừa, phi lao… tạo nên vẻ đẹp bình yên, không khí mát mẻ
Quy Hòa trở thành nguồn cảm hứng, để ông viết nhiều thi phẩm nổi tiếng và trút hơi thở cuối cùng ở đây.
Du xuân trong thung lũng Quy Hòa, du khách sẽ thấy rất nhiều loài cây xanh đã được trồng, từ cây lâu năm như dừa, phi lao, hoa giấy… đến những loài cây hoa dại mọc bên đường đều xanh ngát một màu.
Từ nét đẹp của màu xanh trên, nhiều đoàn du khách đã về tham quan, trải nghiệm và hưởng thụ không khí dịu mát nơi đây.
Không chỉ sở hữu nét đẹp bình yên của một làng chài cổ kín, mà thung lũng Quy Hòa còn biết là nơi điều trị cho các bệnh nhân phong. Được biết, khoảng năm 1929, một linh mục người Pháp có tên Paul André Maheu đã phát hiện ra sự yên bình, vắng lặng hiếm có của làng phong Quy Hòa.
Trong làng phong Quy Hòa, có vài trăm ngôi nhà, với màu sắc, lối kiến trúc được xây từ thời Pháp
Ông đã quyết định xây dựng một khu điều trị cho bệnh nhân phong mang tên Bệnh viện Laproserie de Quy Hoa. Và “di sản” được ông Paul André Maheu để lại đến bây giờ đó là có vài trăm ngôi nhà, với màu sắc, lối kiến trúc được xây từ thời Pháp.
Nhắc đến sự phát triển du lịch xanh tại thung lũng Quy Hòa, ông Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng cho biết: Định hướng của phường đến năm 2025 là sẽ phát triển thung lũng Quy Hòa trở thành một địa điểm du lịch tâm linh văn hóa, kiến trúc độc đáo.
Đặc biệt, tại làng phong Quy Hòa, ở đây, mỗi ngôi nhà thực sự là một bảo tàng về kiến trúc và mỗi cư dân là một đại sứ du lịch cho khu dân cư và cộng đồng. Ngoài ra, những năm gần đây, Quy Hòa được mệnh danh là nơi đầu tiên trong cả nước phát triển về sản phẩm du lịch khám phá khoa học.
Nguồn: Tác giả PHAN HIẾU - BÁO VĂN HOÁ